
Nếu bạn là các bậc cha mẹ biết tiếng Hoa (tiếng phô thông Trung Quốc) và mong muốn con mình cũng học để biết thì đó sẽ là một lợi thế trong việc hướng dẫn con học tiếng Hoa. Nhưng nếu bạn không hoặc chưa biết chút gì thì cũng đừng quá lo lắng vì biết đâu đây cũng là cơ hội để bạn và con cùng nhau học tập và biết được thêm một ngôn ngữ mới thì sao? Vậy làm thế nào và bắt đầu từ đâu đây? Hoang mang quá!
1. TÌM HỨNG THÚ
Muốn theo đuổi tiếng Hoa nói riêng và ngoại ngữ nói chung thì cần phải có động lực, hay nói nôm na là hứng thú. Khi bạn (hoặc con bạn) không có hứng thú thì đừng nói đến chuyện học ngoại ngữ. Vậy tạo ra động lực cho trẻ như thế nào? Điều này phụ thuộc vào hiểu biết và sự kiên trì của cha mẹ trẻ.
Trẻ nhỏ thì hiếu động, chưa định hướng được vấn đề. Bây giờ người ta dạy cho trẻ tiếng Anh từ lớp mầm (3 tuổi). Vậy tại sao chúng ta tạo đam mê cho trẻ học tiếng Hoa ngay từ nhỏ?
Trẻ lớn hơn, chắc từng xem qua Tây Du Ký, chúng ta có thể trò chuyện cho trẻ biết nó hay như thế nào và hỏi con có muốn cùng mình hiểu thêm về những điều thú vị nữa hay không.
Còn với người lớn chúng ta, nếu bạn đi du lịch mà đọc được chữ trên một nhà hàng, quán ăn, khách sạn; hiểu được tên đường, các chỉ dẫn hoặc gọi món trong thực đơn sẽ thú vị hơn là cái gì cũng nhờ phiên dịch.
tất cả điều đó ít nhiều sẽ là động lực, là sự hứng thú để bạn và con quyết tâm cùng nhau khám phá ngôn ngữ này.
2. PHƯƠNG PHÁP NÀO PHÙ HỢP
Trẻ có thể phát triển 2 kỹ năng đầu là nghe - nói. Còn đọc - viết sẽ phát triển sau. Giống như khi trẻ con nhỏ, chỉ có thể học theo, nó theo mà không cần biết văn phạm là gì, ngữ pháp ra sao.
Ở giai đoạn này, chủ yếu là nói, nghe và nói. Vì vậy, cha mẹ hãy cùng trò chuyện với bé, học những từ đơn giản và gần gũi nhất, liên quan đến chính cuộc sống của trẻ; càng đơn giản càng tốt, càng dễ hiểu càng hay.
Nói theo luôn là lựa chọn ưu tiên, cha mẹ không nên ép buộc trẻ phải thuộc hết những gì chúng học. Có thể trẻ nói nhưng phần nhiều chúng sẽ không biết chúng nói thế nghĩa là gì. Phần còn lại là của cha mẹ, hãy quan tâm và theo cùng trẻ.
Nếu cha mẹ không có khả năng hướng dẫn trẻ học thì hãy tìm sự trợ giúp từ trường lớp hoặc người khác, thông qua các tài liệu chuyên dùng cho trẻ ở nhà sách hoặc qua mạng.
3. TẠO SÂN CHƠI
Đồ chơi luôn mang lại hứng thú, nhất là trẻ nhỏ. Mỗi đồ chơi, đồ vật đều có tên gọi khác nhau bằng tiếng Hoa. Cha mẹ có thể bằng cách nào đó dán chữ lên đó và hướng dẫn con đọc theo.
Có một cách khác là dùng flashcard để trẻ vừa học vừa chơi. Hiểu nôm na đó là những "thẻ học ngoại ngữ", một mặt của thẻ là hình ảnh liên quan, mặt còn lại là chữ viết, phiên âm hoặc nghĩa, đôi khi kết hợp cả 3.
Trẻ dễ dàng nhận ra hình ảnh đó tên gì, phụ huynh hướng dẫn trẻ đọc đúng tên tiếng Hoa tương ứng. Đơn giản là phụ huyng có thể dùng bìa cứng để làm flashcard, cắt ra miếng vuông cỡ trái táo rồi cho vào một cái hộp thật đẹp để trẻ học dần. Mỗi lần chỉ nên cho trẻ làm quen ít thôi.
4. RÈN KỸ NĂNG
Một số bài hát về phiên âm và chữ cái rất đơn giản mà phụ huynh có thể cho trẻ nghe để luyện kỹ năng nói hoặc các chương trình phát âm chuẩn mà phụ huynh và trẻ có thể cùng nhau học. Điều đó không đòi hỏi cha mẹ hoặc trẻ hiểu ngay lập tức nghĩa của âm đó là gì, chỉ cần biết rằng phát âm chuẩn, đúng sẽ giúp trẻ mau tiến bộ.
Ngoài ra còn nhiều giáo trình tài liệu viết riêng cho trẻ em, in màu rất đẹp, phụ huynh có thể tìm tham khảo và cho trẻ học theo.
5. LƯU Ý
Khả năng tiếp thu ngoại ngữ ở mỗi trẻ sẽ khác nhau, tùy theo nhu cầu của trẻ mà định hướng cho phù hợp, đừng cố ép buộc trẻ phải học cái này cái kia.
Những gợi ý nói trên mang tính chủ quan, vì vậy cha mẹ không áp dụng máy móc.
Tài liệu có nhắc đến trong bài được chia sẻ miễn phí tại đây.
No comments:
Post a Comment